Sign In

5 yếu tố giúp giảm chi phí khi xây dựng kế hoạch tuyển dụng

28 Tháng 10, 2020

Theo báo cáo của Society for Human Resource Management (SHRM), chi phí để tuyển thành công 1 nhân sự của các công ty trên thế giới giao động từ $500 – $4,669.

Chi phí này đã bao gồm cả tiền lương dựa trên thời gian làm việc của nhân sự tuyển dụng và chi phí truyền thông, lan tỏa tin tuyển dụng trên các kênh tuyển dụng khác nhau. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ thường phải chi vài triệu đồng để có được hồ sơ ứng viên. Để có được một nhân sự cấp nhân viên, họ phải tốn trung bình 10 triệu đồng và 30 triệu đồng cho cấp quản lý. Tuyển dụng hiện đại đã là chiến lược phải kết hợp cả Sales và Marketing, bởi vậy, cân nhắc yếu tố chi phí khi lên kế hoạch tuyển dụng là việc làm quan trọng trước mỗi chiến dịch tuyển người.


Những sai lầm khi xây dựng kế hoạch tuyển dụng dẫn đến: Tuyển sai nhân sự, sử dụng sai kênh truyền thông, không có một thương hiệu tuyển dụng hoặc JD không đủ hấp dẫn, … đều làm chi phí tuyển dụng tăng lên. Vậy đâu là các bước đi hoàn hảo cho một kế hoạch tuyển dụng hiệu quả? Glints chia sẻ dựa trên kinh nghiệm làm việc với anh chị HR tại nhiều công ty khách hàng của mình:

  • Xác định rõ chiến lược tăng trưởng của công ty, từ đó xác định ưu tiên cho những vị trí cần tuyển

Các công ty thường cần nhân sự phục vụ cho mục đích tăng trưởng, cho dù đó có là tăng trưởng về sản phẩm, dịch vụ, hay tăng trưởng doanh thu và khách hàng. Trước khi lên kế hoạch tuyển dụng, điều đầu tiên mà Bộ phận Nhân sự nên làm là đảm bảo các thành viên hiểu rõ chiến lược tăng trưởng của công ty. Đâu là mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, từ đó xác định những vị trí cần tuyển gấp và chưa gấp. Ngân sách và thời gian nên được dành cho những vị trí cần gấp và có khả năng tác động trực tiếp đến khả năng tăng trưởng của công ty. Trong khi đó, những vị trí chưa cần gấp nên được lên kế hoạch trong một khung thời gian cụ thể. 

Ví dụ: Trong Q2 năm 2020, nếu doanh nghiệp có mục tiêu tăng trưởng x2 doanh thu, cần tập trung vào những vị trí của bộ phận kinh doanh. Những vị trí dài hạn hơn như đào tạo hoặc marketing có thể rời lại sau. 

  • Hiểu rõ chân dung ứng viên và yêu cầu của từng vị trí

Đây là bước thiết yếu trong cả quá trình tuyển dụng. Tuyển dụng nhân sự không phù hợp về mặt năng lực hay văn hóa công ty đều làm lãng phí thời gian hoặc tăng chi phí tuyển dụng. Để có được bộ khung đánh giá đúng ứng viên, Nhà Tuyển dụng có thể sử dụng các Scorecard, các scorecard này nên có từ 4-5 năng lực quan trọng. Bộ phận Nhân sự cần thiết nắm được những năng lực và kỹ năng bắt buộc phải có và những năng lực có thể có. Nhà Tuyển dụng có thể tham khảo mẫu scorecard của Glints tại đây

Tương tự như Marketing có “chân dung khách hàng”, với HR sẽ có “chân dung ứng viên” phù hợp. Nếu dữ liệu tuyển dụng trong quá khứ chưa đủ để xây dựng chân dung ứng viên, Nhà Tuyển dụng hoàn toàn có thể nhìn vào những nhân viên đang thể hiện tốt ở công ty, tìm hiểu khung năng lực và kinh nghiệm của họ, từ đó nhắm tới những ứng viên tương tự. Việc tránh tiếp cận và truyền thông tới sai đối tượng ứng viên cũng sẽ tiết kiệm được một lượng ngân sách tuyển dụng đáng kể cho Bộ phận Nhân sự.

  • Chuẩn bị một JD hấp dẫn

Một bản mô tả công việc tốt sẽ giúp ứng viên hiểu đúng về công việc và công ty họ đang ứng tuyển. Nhiều doanh nghiệp không nghĩ rằng mình có thiếu sót trong bản mô tả công việc, do đó không hấp dẫn được nhiều ứng viên hoặc thu hút những ứng viên không phù hợp. Những lỗi như giới thiệu công ty sơ sài, không có thông tin gì về lương, thường và chính sách, hoặc không thể hiện rõ giá trị học hỏi của công việc sẽ làm ứng viên khó khăn khi đưa ra quyết định ứng tuyển, từ đó kéo dài quá trình tuyển dụng, làm tăng chi phí. 

NTD-015-02.jpg

  • Chọn kênh tuyển dụng phù hợp

Cũng như Marketing, chọn những kênh tuyển dụng phù hợp để lan tỏa thông tin sẽ giúp ngân sách tuyển dụng được tập trung vào những nguồn ứng viên phù hợp nhất. Điều này không chỉ giúp Nhà Tuyển dụng có được ứng viên với chi phí thấp hơn, mà còn tăng khả năng có được ứng viên phù hợp. Ngoài ra, kênh tuyển dụng cũng rất quan trọng với Thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp, do vậy, nếu nhân sự HR sở hữu tư duy của một marketer sẽ rất tuyệt vời cho chiến lược tuyển dụng sắp tới. 

Các diễn đàn, cộng đồng HR, hoặc các báo cáo về Linkedin và các trang tuyển dụng sẽ là nguồn thông tin hữu ích để tham khảo về đối tượng cũng như đặc thù của mỗi kênh tuyển dụng. Một vài số liệu thú vị về Linkedin như: 59% nhân sự có chuyên môn về Sales hoạt động tích cực trên Linkedin; Tính năng gửi InMail của Linkedin có tỷ lệ mở lên đến 52%, … là những dữ liệu quan trọng giúp Nhà Tuyển dụng xây dựng chiến lược đầu tư hợp lý cho mỗi kênh. 

  • Tạo trải nghiệm tuyển dụng tốt cho mọi ứng viên

Trải nghiệm tuyển dụng tốt giúp ứng viên dễ dàng đồng ý ra nhập công ty hơn. Thống kê từ Linkedin cho thấy, 89% ứng viên dễ dàng đồng ý nhận việc hơn nếu họ được nhân viên tuyển dụng liên lạc lại sớm. 94% ứng viên cho rằng nếu họ được quản lý tương lai liên lạc, họ sẽ dễ dàng đồng ý nhận việc hơn. Cơ hội tuyển dụng thành công một ứng viên tăng lên 4 lần nếu họ nhận được những góp ý có tính xây dựng từ Nhà Tuyển dụng. 

Tất cả những thống kê trên cho thấy, tạo ra trải nghiệm tốt cho ứng viên trong cả quá trình tuyển dụng giúp thúc đẩy tỷ lệ đồng ý của ứng viên. Qua đó, các công ty không chỉ rút ngắn được thời gian tuyển dụng, giảm chi phí trong ngắn hạn mà còn để lại ấn tượng tốt, giúp xây dựng thương hiệu tuyển dụng trong tương lai. 

Để tạo ra trải nghiệm tốt, Nhà Tuyển dụng cần rút ngắn thời gian liên lạc với ứng viên. Đảm bảo rằng họ luôn cảm thấy được hồi đáp sau khi gửi CV. Luôn thông báo sớm cho họ về kết quả phỏng vấn. Cuối cùng, luôn tạo thêm giá trị gia tăng từ các góp ý, giúp họ hiểu hơn về định hướng sự nghiệp cũng như bản thân họ. Thực hiện những công việc này có thể đòi hỏi sự kỷ luật và nhiều nỗ lực hơn từ bộ phận nhân sự, nhưng những phần mềm hỗ trợ tuyển dụng hiện nay cũng đang hỗ trợ Bộ phận Nhân sự tối ưu hành trình ứng viên rất nhiều. Do vậy, dù trong ngắn hạn hay dài hạn thì cải thiện trải nghiệm tuyển dụng cũng là điều nên làm với mọi Nhà Tuyển dụng.


Lời kết

Chi phí tuyển dụng thường đến từ những nguyên nhân khó nhận ra trước trong ngắn hạn như: tuyển sai nhân sự, đầu tư ngân sách vào kênh tuyển dụng chưa phù hợp hay quá trình tuyển dụng quá dài. Chi phí tuyển dụng có thể chiếm lên đến 15% chi phí nhân sự của cả doanh nghiệp. Bởi vậy, cân nhắc yếu tố ngân sách đầu tư và hiệu quả khi xây dựng kế hoạch tuyển dụng là lưu ý nên được thực hiện sớm với mỗi doanh nghiệp để giải bài toán chi phí tuyển dụng trong dài hạn.

—  TNTalent - Giải pháp nhân sự

 Theo Glints