Sign In

Phát hiện việc làm xấu của đồng nghiệp, nên giữ kín hay phơi bày?

20 Tháng 11, 2021

Là dân công sở, rất khó tránh được chuyện thị phi xảy ra trong môi trường làm việc hàng ngày. Bạn đã bao giờ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như bắt gặp việc làm xấu của đồng nghiệp chưa? Những lúc này một nụ cười thật tươi cũng không thể giải quyết được vấn đề. Nên giữ kín trong lòng hay phơi bày sự thật cho mọi người cùng biết? Những giải pháp dưới đây sẽ giúp bạn có những hướng đi thông minh và phù hợp nhất

Bình tĩnh, thật bình tĩnh và hết sức bình tĩnh

Chuyện gì quan trọng cũng phải nhắc lại ba lần. Khi phát hiện việc làm xấu của đồng nghiệp, chắc chắn bạn sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: từ kinh ngạc, lo âu cho tới sợ hãi, bức bối. Tùy thuộc vào sự kiện đó có quy mô và sức ảnh hưởng của sự việc, cảm xúc của bạn cũng bị chi phối khác nhau. Nhưng chắc rằng bạn sẽ cảm thấy tiến thoái lưỡng nan và không biết nên làm gì cho đúng.

Lời khuyên đầu tiên cho bạn đó chính là hãy giữ cho mình một cái đầu lạnh. Đừng kể lại cho những người khác ngay mà hãy bình tĩnh và dành thời gian phân tích vấn đề. Kể cả việc làm xấu ấy có ảnh hưởng đến bạn thì cũng hãy cố gắng áp chế cảm xúc và tìm cách giải quyết.

Phân tích và giải quyết vấn đề

Sau khi ổn định cảm xúc, hãy bắt tay vào việc phân tích tình huống hiện tại. Hãy suy nghĩ xem việc làm đó của người đồng nghiệp gây ảnh hưởng tới những đối tượng nào và mức độ nghiêm trọng của việc đó ra sao.

Trường hợp thứ nhất: Khi sự việc xấu đó có ảnh hưởng đến lợi ích chung của tổ chức và có mức độ nghiêm trọng cao, hãy nói lại chuyện này với sếp của bạn. Chú ý về tính bảo mật của thông tin, chỉ nói cho duy nhất sếp, không “loan” tin đi khắp nơi. Người lãnh đạo của bạn chắc chắn sẽ có hướng giải quyết phù hợp, đừng quên cam đoan với họ rằng bạn sẽ giữ kín bí mật này.

Trường hợp thứ hai: Nếu sự việc xấu ấy có ảnh hưởng đến đồng nghiệp khác, hãy nhắc “khéo” người đồng nghiệp ấy. Đừng kể thẳng cho đồng nghiệp đó về bí mật của mình vì chẳng may họ không có lòng tin vào bạn, họ sẽ cho rằng bạn đang “châm ngòi” một cuộc chiến giữa họ và người đồng nghiệp kia. Nếu họ kể lại cho đồng nghiệp kia thì vấn đề sẽ càng trầm trọng. Bạn có thể nhắc nhở đồng nghiệp kiểm tra, sắp xếp lại các nhiệm vụ, công việc của mình để kịp thời kiểm soát được các vấn đề phát sinh trong tương lai. 

Trường hợp thứ ba: Nếu sự việc xấu ấy ảnh hưởng đến bạn, vấn đề sẽ dễ được kiểm soát hơn khi bạn đã biết trước nó. Bạn chỉ cần hết sức bình tĩnh và tạo khoảng cách với người đồng nghiệp đó rồi cẩn thận hơn trong tất cả các hoạt động tại văn phòng của mình. Đừng dằn mặt trực tiếp người đồng nghiệp kia vì có thể sẽ xảy ra phản ứng ngược. Khi sự việc có mức độ nghiêm trọng cao, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của một đồng nghiệp thật sự thân thiết với bạn hoặc người sếp trực tiếp của bạn.

Trường hợp thứ tư: Nếu người đồng nghiệp đó có mối quan hệ tốt với bạn thì phải làm sao? Thật khó để đưa ra quyết định khi bạn đang phải đứng trước một tình huống lưỡng nan về đạo đức như vậy. Lúc này, bạn có thể nhắc nhở một cách khéo léo người đồng nghiệp của mình về những chuyện liên quan đến hành động mà người đó đã làm. Chú ý đừng tỏ ra là mình đã biết đầu mối mà hãy tự nhiên hết sức có thể.

Trường hợp thứ năm: Nếu người đồng nghiệp biết bạn phát hiện việc xấu của họ, hãy cam kết với họ rằng bạn sẽ không kể cho bất cứ ai và đưa lời khuyên nhẹ nhàng, chân thành cho họ.

​​Nguyên tắc vàng cho cuộc sống công sở “healthy & balance”​

Tôn trọng người khác

Nguyên tắc vàng tại công sở chính là tôn trọng tất cả mọi người. Dù đó là đồng nghiệp ở cấp nào, năng lực hơn kém ra sao hay kể cả nhân viên trong công ty thì bạn cũng cần tôn trọng họ. Họ là người mà bạn thường xuyên tiếp xúc và hợp tác nhất nên cần phải tạo mối quan hệ tốt đẹp. 

Nói không với “khẩu nghiệp”

Đây là điều tối kỵ ở mọi tổ chức mà bạn nên thuộc nằm lòng. Nếu muốn nói không với drama, tuyệt đối đừng đem người khác ra làm chủ đề bàn luận và công kích, điều đó sẽ khiến mọi người có cái nhìn không tốt và cảnh giác về bạn.

Hạn chế “bà tám”

“Tám chuyện” là một chuyên mục không thể thiếu của những công dân văn phòng. Nhưng “tám” quá nhiều và “tám” không đúng thời điểm thì sẽ rơi vào tầm ngắm của các nhà lãnh đạo đấy. Đừng để đam mê giao lưu làm ảnh hưởng con đường thăng tiến của bạn, chỉ nên trò chuyện những lúc rảnh rỗi hay cần thiết thôi nhé!

Trên đây là một vài giải pháp để bạn cân nhắc khi rơi vào tình thế phát hiện việc làm xấu của đồng nghiệp mà không biết nên giữ kín hay phơi bày. Tùy vào từng tình huống, bạn có thể đưa ra nhiều quyết định và hành đồng khác nhau. Hãy luôn giữ cho mình một cái đầu lạnh để làm chủ được mọi vấn đề. Và để “an toàn” trong cuộc sống công sở, hãy cứ giữ mình tránh xa “drama” một chút nha!​