Sign In

Tạm ngưng tuyển dụng, vẫn còn rất nhiều hoạt động khác mà Nhân Sự cần quan tâm

22 Tháng 12, 2021

Khi kinh tế khủng hoảng, phản ứng đầu tiên của tất cả các doanh nghiệp là “đóng băng” việc tuyển dụng nhân sự mới để cắt giảm chi phí tuyển dụng, dành ngân sách để "hồi phục".

Và nếu như thật sự bất đắc dĩ phải ngưng hoạt động tuyển dụng, đội ngũ nhân sự có thể hướng đến những hoạt động nào để thay thế?

Thời điểm để tự đánh giá và nâng cao quy trình tuyển dụng

Quy trình tuyển dụng thiếu hiệu quả có thể khiến các doanh nghiệp mất tới 30% doanh thu mỗi năm. Bộ phận nhân sự và quản lý phải dành ra rất nhiều giờ để giải quyết các vấn đề nhân sự. Theo một khảo sát, các giám đốc của doanh nghiệp vừa và nhỏ phải dành gần 1/4 thời gian làm việc của họ cho các nhiệm vụ và giấy tờ liên quan đến nhân viên.

Đây là thời điểm mà đội ngũ nhân sự có thể nhìn lại toàn bộ quy trình tuyển dụng hiện tại, bao gồm các hoạt động tuyển dụng truyền thống và tuyển dụng kĩ thuật số, xem xét mức độ hiệu quả về phương pháp cũng như các công cụ đánh giá. Những hoạt động có thể áp dụng gồm có đo lường và đánh giá về trải nghiệm của ứng viên, tìm hiểu những công cụ bổ sung dùng cho tuyển dụng mới trên thị trường, thực hiện những kế hoạch thay đổi cách tiếp cận hoặc cách làm mới mà trước giờ chưa có thời gian để làm. Ngoài ra, thực hiện khảo sát với cấp quản lý hoặc nhân viên nội bộ để tìm ra điểm cần cải thiện hơn nữa cũng là một cách để tận dụng thời gian ít cao điểm hơn.

Kinh tế suy thoái đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người thất nghiệp hơn. Vì thế, khi đăng thông báo tuyển dụng, bạn sẽ nhận được nhiều hồ sơ xin việc hơn trước đây cho mỗi vị trí cần tuyển. Điều này có mặt tích cực là bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, mặt khác, bạn sẽ phải dành nhiều thời gian hơn để xem xét hồ sơ. Vì thế, khi đã cải thiện và nâng cao mức độ hiệu quả của quy trình tuyển dụng nhân sự, doanh nghiệp sẽ ở tâm thế sẵn sàng đón “làn sóng” hồ sơ xin việc đổ về.

Hướng sự tập trung vào việc gắn kết đội nhóm

Tạm gác lại những lịch trình bận rộn thường ngày của tuyển dụng, nhân sự có thể lên kế hoạch thực hiện những hoạt động chia sẻ và tạo cơ hội để gắn kết mọi người trong cùng một bộ phận, hoặc các bộ phận với nhau. Những hoạt động này sẽ giúp từng người hiểu và tôn trọng cách làm việc khác biệt của những bộ phận khác nhau, từ đó làm việc với nhau hòa hợp và hiệu quả hơn. Hãy nâng cao tinh thần của nhân viên với những hoạt động tạo không khí vui vẻ bằng việc tận dụng những kênh mạng xã hội để kết nối với nhau.

Văn hóa doanh nghiệp là điều vốn dĩ khó xây dựng dù có làm việc offline và gặp nhau mỗi ngày. Chính văn hóa cũng là yếu tố gắn kết nhân viên và doanh nghiệp. Vậy nên, dù phải làm việc online trong mùa dịch thì các nhà quản lý cũng không nên bỏ qua yếu tố gắn kết thông qua văn hóa doanh nghiệp này.

Giao tiếp online vừa có lợi, vừa khó khăn đối với việc gắn kết văn hóa doanh nghiệp. Khi giao tiếp online, công ty có thể dễ dàng thực hiện các thử thách, trào lưu hay tạo ra các cuộc thi thú vị. Tuy nhiên, cũng với cách thức này, nhân viên có thể sẽ cảm thấy ngại ngùng, phiền phức mà né tránh. Vậy nên, câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra chính là “hoạt động nào thì phù hợp với doanh nghiệp của bạn?”

Vẫn là câu chuyện phù hợp. Điều này yêu cầu nhà quản lý cần thực sự hiểu được nhân viên của mình. Cách xác định cơ bản có thể giúp bạn tìm ra câu trả lời nhanh hơn chính là nhìn vào đặc điểm chung nhất của công ty và nhân viên: Công ty bạn làm về lĩnh vực gì? Nhân viên của bạn phần lớn thuộc độ tuổi nào? Môi trường làm việc của công ty bạn vốn truyền thống hay năng động, hiện đại? Những đặc điểm “xã hội học” cơ bản đó sẽ giúp bạn dễ dàng tìm ra cách thức gắn kết mọi người phù hợp nhất.

Nếu là một công ty có phong cách công sở truyền thống, nhà quản lý có thể hướng đến các hoạt động hướng đến đời sống nhiều hơn như chia sẻ câu chuyện, các hoạt động tại nhà hay tổ chức các cuộc thi thực hành đơn giản liên quan đến công việc. Ngược lại, đối với công ty trẻ và năng động, các hoạt động giải trí, ứng dụng nhiều công nghệ, các challenge thú vị sẽ là sự lựa chọn tối ưu hơn.

 

Tổ chức các hoạt động đánh giá và đào tạo cho nhân viên

Xây dựng và thực hiện chương trình đánh giá, đào tạo, tư vấn và định hướng nhân viên thường xuyên cũng là một trong những cách để tối ưu hóa chi phí tuyển dụng. Điều này giúp cắt giảm chi phí nhân sự trong thời gian dài và cải thiện đáng kể hiệu suất của nhân viên.

Khi công ty đầu tư vào chương trình đào tạo, tỷ lệ nhân viên làm việc lâu dài và cống hiến cho công ty tăng lên. Mỗi doanh nghiệp không chỉ là nơi để thực hiện một công việc cụ thể, mà còn là môi trường để phát triển, thực hiện những mục tiêu của mỗi cá nhân và đáp ứng mục tiêu chung.

Nhân sự có thể tổ chức đánh giá nhân viên cũng như bộ phận để trưởng nhóm, trưởng bộ phận có cơ hội nhìn lại và chuẩn bị cho các hoạt động trong tương lai. Hãy sử dụng các công cụ đánh giá cung cấp các dữ liệu khách quan như 360-degree feedback, v.v… Cập nhật các xu hướng cũng như tin tức trong ngành mới cho nhân viên nội bộ để trang bị những tinh thần và kiến thức cần thiết cho các hoạt động khi mọi thứ tiến đến trạng thái “bình thường mới”.

Với những hoạt động “bồi bổ” tinh thần cho nhân viên và cả cấp quản lý trên, khi mọi thứ hoạt động sôi nổi trở lại, mọi người sẽ đã được chuẩn bị để cùng nhau vực dậy và phát triển.​