Sign In

Bạn nên nói gì với sếp khi có ý định chuyển việc?

4 Tháng 1, 2022

Quyết định “chia tay” với đồng nghiệp, cấp trên, môi trường quen thuộc tuy dễ nhưng rất khó để nói thành lời. Bởi khi ra đi, bạn vẫn muốn giữ liên lạc với đồng nghiệp và để lại ấn tượng đẹp với “người ở lại”. Làm sao để thông báo nghỉ việc với cấp trên chuyên nghiệp và dễ dàng được chấp thuận ? Hãy cùng lắng nghe những bí quyết sau đây nhé.

Chọn lý do để rời đi

Sau một thời gian làm việc, từ con người đến đồ vật xung quanh cũng trở nên thân thuộc và gần gũi với chúng ta. Vì thế, quyết định ra đi thật không dễ dàng gì. Nhưng chúng ta đều có mục đích và tương lai muốn hướng tới. Nếu cảm thấy môi trường này không còn phù hợp, quyết định nhảy việc là lựa chọn hiển nhiên. 

Đôi với bạn, lựa chọn này phù hợp với mục tiêu đề ra trước đó. Nhưng với công ty là sự mất mát. Bởi họ phải tốn thời gian, chi phí tuyển dụng và đào tạo lại người mới. Vì thế, đa phần cấp trên tỏ ra không hài lòng với quyết định này của bạn. Tuy nhiên, bạn có thể khéo léo tìm lý do nghỉ việc khiến sếp không thể chối từ. 

Những lý do như: chuyển nhà, sức khỏe không đáp ứng hay bản thân phải học nâng cao không đủ thời gian để đáp ứng công việc,… Bên cạnh đó, bạn cần chọn thời gian thích hợp để trình bày lý do đã chuẩn bị sẵn. Bởi thời điểm cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tâm trạng của cấp trên đối với lời đề nghị nghỉ việc từ bạn. Cụ thể như: Bạn xin nghỉ việc vào thời điểm công ty đang cần người, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những chiêu trò khó dễ từ sếp. Nhưng bạn chọn thời gian vào lúc rỗi việc, yêu cầu này có thể dễ dàng được chấp thuận hơn.

Đưa ra lời hứa với cấp trên

Thông thường, chúng ta thường có tâm lý buông lơi khi quyết định nghỉ việc. Bởi những suy nghĩ “sắp rời đi” khiến ta không còn mặn mà với công việc hiện tại. Từ đó, hình thành thói quen làm việc cẩu thả, chểnh mảng trong việc hàng ngày. Những kiểu người này thường sẽ bị đồng nghiệp và cấp trên không thích. Bởi hành động của họ đang ảnh hưởng đến những người ở lại. Những đồng nghiệp bên cạnh sẽ là người phải gánh việc thay bạn. Hậu quả làm sai của bạn, họ phải là người xử lý. Từ đó, bạn vô tình để lại ấn tượng xấu xí trong mắt đồng nghiệp cũ. 

Để giải quyết những lo ngại này, bạn hãy đưa ra lời hứa uy tín với cấp trên của bạn. Hãy thể hiện thiện chí muốn giải quyết hết việc và có trách nhiệm tới cùng với những gì mình đang làm. Điều này tuy đơn giản, nhưng cũng đủ khiến bạn ghi điểm trong mắt sếp. Nhưng đừng quên “ Nói phải đi đôi với làm”. Hãy thực hiện lời hứa của mình để lại ấn tượng tốt đẹp trước khi rời đi. Biết đâu chính sếp sẽ là người đứng ra xác nhận năng lực và đảm bảo cho bạn khi phỏng vấn ở công ty mới. Hãy cư xử tử tế và chuyên nghiệp trước khi nghỉ việc bạn nhé.

Đừng quên cảm ơn sếp​

Đây là bước quan trọng mà hầu như mọi người đều bỏ qua. Bạn cũng có thời gian công tác tại đây. Dù ít hay nhiều, môi trường này cũng đem đến cho bạn kinh nghiệm bổ ích cho tương lai. Chính sếp đã hướng dẫn và dìu dắt bạn những ngày đầu còn bỡ ngỡ. Với những điều đó, họ xứng đáng nhận được lời cảm ơn chân thành từ bạn. Biết ơn và trân trọng những giá trị của người khác đã trao cho bạn là điều cần thiết. Đây là phép lịch sự tối thiểu phải có.

Những điều cần làm trước khi nghỉ việc

Làm nốt công việc dang dở: Mọi người thường có tâm lý mặc kệ và không giải quyết dứt điểm những việc chưa hoàn thành trước khi rời đi. Bởi mọi người luôn nghĩ đó không còn là việc của mình. Chính những suy nghĩ này khiến hình ảnh của bạn trở nên xấu xí trong mắt đồng nghiệp và sếp cũ. Thậm chí, điều này còn khiến tình cảm của đôi bên bị rạn nứt. Trong nhiều trường hợp, đây có thể là nguyên nhân khiến sếp tạo áp lực và làm khó bạn. Vì vậy, hãy thể hiện mình là người chuyên nghiệp và có trách nhiệm xử lý công việc đến cùng. Hành động này sẽ giúp tạo ấn tượng tốt trước khi rời đi và giúp bạn không phải ngượng ngùng với người ở lại.

Bàn giao công việc: Trước khi nghỉ việc, bạn đừng quên chọn người phù hợp kế thừa và bàn giao công việc lại cho họ nhé. Bởi khi bạn đi, doanh nghiệp và những đồng nghiệp cũ sẽ gặp khó khăn bởi những việc bạn từng làm cần có người thay thế. Vì vậy, hãy lên kế hoạch đề xuất tuyển dụng bổ sung hoặc lựa chọn nguồn ứng viên nội bộ để thay thế chỗ trống của bạn. Đây là bước quan trọng cần làm để doanh nghiệp không ảnh hưởng khi bạn rời đi.

Liên hoan chia tay: Chúng ta đã có khoảng thời gian cùng làm việc, sát cánh bên nhau. Dù ít hay nhiều, trong mỗi chúng ta đều tồn tại những kỷ niệm dưới “ngôi nhà thứ hai” này. Vì thế, hãy kết thúc mọi chuyện và nói lời chia tay bằng buổi liên hoan nhỏ. Bạn có thể tổ chức tiệc sau giờ làm, hay đơn giản đãi mọi người nước hay buổi ăn nhẹ. Đừng quên gửi lời cảm ơn đến những người bạn ở lại. Đây là điều cần thiết nhất định phải làm. 

Chúng ta thường sẽ rơi vào tình huống khó xử giữa lý trí và tình cảm khi chọn quyết định tìm môi trường mới. Bởi từng con người và cảnh vật nơi đây đều khiến mình quyến luyến không rời. Nhưng tương lai mới là điều quan trọng thôi thúc chúng ta hướng đến. Vì thế, hãy dũng cảm thuyết phục sếp đồng ý với lựa chọn của mình bằng những mẹo trên. Hy vọng thông qua bài viết sẽ đến đến phương pháp hữu ích giúp mọi người dễ dàng nhận được cái gật đầu chấp thuận từ sếp.​