Sign In

Cách trả lời câu hỏi “Vì sao bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này?”

23 Tháng 8, 2021

“Vì sao bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này” là một câu hỏi thường gặp trong các buổi phỏng vấn, tuy nhiên, trên thực tế, không nhiều ứng viên có thể “ghi điểm” với nhà tuyển dụng khi trả lời câu hỏi này. Vậy cách để trả lời cho câu hỏi tại sao bạn muốn ứng tuyển vị trí này thế nào mới là đúng?

Lý do nhà tuyển dụng hỏi câu “Vì sao bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này?” 

Một trong những tiêu chí quan trọng nhất khi tuyển dụng đó chính là tính phù hợp. Ứng viên được tuyển dụng có thể không phải người giỏi nhất, song chắc chắn là người phù hợp nhất với doanh nghiệp tại thời điểm đó. Và câu hỏi “Vì sao bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này?” là một trong những câu hỏi được dùng để đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên

Cụ thể, câu hỏi này được nhà tuyển dụng đặt ra nhằm đánh giá mức độ quan tâm của ứng viên với công việc, có tìm hiểu kỹ càng, có thực sự muốn làm việc tại đây hay không. Ngoài ra câu hỏi này còn để tìm hiểu mong muốn của ứng viên đối với công việc, ngoài lương thưởng, phúc lợi,.. ứng viên còn quan tâm tới điều gì khi ứng tuyển. ​

vì sao bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này

Tập trung vào vị trí công việc và nhà tuyển dụng

Lý do nhà tuyển dụng hỏi câu hỏi này là để tìm kiếm ứng viên phù hợp nhất với vị trí mà họ đang mong muốn. Do đó, để trả lời câu hỏi “Vì sao bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này?” một cách thuyết phục, hãy bắt đầu từ chính thông tin về vị trí công việc trên phần tin tức tuyển dụng. Bạn cần phân tích những yêu cầu trong mô tả công việc, những nhiệm vụ chính tại vị trí đó mà bạn cần hoàn thành,… từ đó tìm ra những yếu tố cốt lõi mà nhà tuyển dụng mong muốn ở một ứng viên. 

Thể hiện niềm yêu thích và đam mê với công việc là chưa đủ, bạn cần chứng minh mình thực sự thích công việc đó bằng cách tìm hiểu thật chi tiết những thông tin liên quan tới công việc. Đó sẽ là những điểm chứng tỏ sự tỉ mỉ, đam mê của bạn và khiến nhà tuyển dụng ấn tượng.

Hiểu rõ thế mạnh của bản thân

Khi nộp đơn ứng tuyển vào một công ty nào đó, bạn cần hiểu rõ trình độ, năng lực và thế mạnh của mình, và đảm bảo rằng trình độ, năng lực của mình phù hợp với điều mà công ty đang tìm kiếm. Khi trả lời câu hỏi “Vì sao bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này?”, hãy liên hệ, so sánh những yêu cầu tuyển dụng với chính những thế mạnh, khả năng của bản thân, chứng minh những gì mà nhà tuyển dụng mong muốn bạn có thể đáp ứng được thông qua kinh nghiệm làm việc trước đó, qua portfolio cá nhân, những dự án từng thực hiện… Nhà tuyển dụng sẽ rất ấn tượng trước một ứng viên không chỉ am hiểu công việc mà còn có khả năng tự đánh giá bản thân. 

Hãy chân thành và hạn chế các câu trả lời sáo rỗng

Không nên sử dụng các mẫu câu trả lời sáo rỗng, bởi nhà tuyển dụng rất dễ dàng nhận ra ứng viên có đang sử dụng câu trả lời mẫu hay không. Những câu trả lời quán sáo rỗng, quá trang trọng nhưng nội dung chung chung, không làm nổi bật thế mạnh riêng của ứng viên sẽ không được đánh giá cao trong mắt nhà tuyển dụng 

Tuy nhiên, bạn có thể dựa vào một số nội dung dưới đây để biến tấu theo tình huống thực tế. Ví dụ như: Công ty có uy tín cao; Danh tiếng của quản lý/CEO; Cảm thấy yêu thích và hứng thú với các sản phẩm/dịch vụ của công ty; Ngưỡng mộ những ý tưởng sáng tạo của công ty (chiến dịch truyền thông, các chương trình đào tạo); Giải thưởng mà doanh nghiệp đạt được; Triết lý quản lý của công ty, chính sách, phúc lợi, văn hóa doanh nghiệp,…

Trên tất cả, hãy chân thực khi trả lời những câu hỏi đặt ra trong buổi phỏng vấn. Thay vì những lý do hoa mỹ, hãy trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm câu hỏi và chân thành. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ứng viên nói thật.

vì sao bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này 

Những lưu ý khi đi phỏng vấn xin việc

Về ngoại hình: Hãy luôn đảm bảo vẻ bề ngoài của bạn luôn gọn gàng và chỉn chu từ tóc tai, khuôn mặt tới trang phục, giày dép,… Nên mặc những trang phục nghiêm túc và chuẩn mực như áo sơ mi, quần âu, chân váy công sở, tránh ăn mặc xuề xòa

Về phong thái: Luôn giữ cho mình thái độ chuyên nghiệp, tự tin, bình tĩnh và từ tốn. Trong buổi phỏng vấn nên ngồi thẳng lưng, mỉm cười nhẹ nhàng, nói chậm và rõ ràng, luôn nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Khi gặp phải câu hỏi khó, bạn nên hít thở sâu và bình tĩnh dành ra một khoảng thời gian để suy nghĩ kỹ càng rồi mới trả lời, thay vì ấp úng hay ậm ừ.

—  TNTalent - Giải pháp nhân sự —
​​Nguồn Top CV​