Sign In

Bí quyết tìm việc thành công cho người hướng nội

11 Tháng 1, 2021

6 Bí quyết giúp một người hướng nội tìm việc thành công mùa COVID-19.

Trong quyển sách “The Introvert’s Guide to Job Hunting” (Hướng dẫn tìm việc cho người hướng nội), Tim Toterhi đề cập rằng: Chỉ cần người hướng nội "phát triển các chiến lược đối phó để giảm căng thẳng và có được thời gian cá nhân mà họ cần, bao gồm cả việc chuẩn bị kỹ lưỡng và dành ra thời gian vào cuối ngày để nạp năng lượng" thì quá trình xin việc sẽ hiệu quả.
Mùa COVID-19 này, cũng như nhiều người khác, mình bị mất việc và phải ở nhà một thời gian. Không như những tính cách hướng ngoại hay hướng trung, là người hướng nội, mình rất sợ cảnh đi xin việc. Nhưng sau khi nghiên cứu và áp dụng các lời khuyên trên trong vòng một tháng, mình đã nhận được rất nhiều cuộc gọi phỏng vấn và hiện đang thử việc cho một công ty.

Sau đây mình muốn chia sẻ những lời khuyên đã áp dụng để giúp bản thân thành công:

1. Chọn môi trường tốt không bằng chọn nơi phù hợp
Trước khi tìm kiếm một công việc mới, hãy dành ra 30 - 60 phút để lập “Pro-Con List”. Đây là danh sách liệt kê những điều bạn thích và không thích ở một môi trường làm việc. Những điều mà mình đưa vào danh sách này bao gồm:
Một điều mà mình ngại đó là phải làm việc trong văn phòng mở và phải họp mỗi ngày. Do đó, khi lập danh sách này, mình đã nhấn mạnh rằng mình sẽ cần không gian có phòng làm việc riêng hoặc khu vực làm việc có vách ngăn để thoải mái và đảm bảo được năng suất.
Để lập nên một danh sách hiệu quả, thì mình dựa vào kinh nghiệm làm việc ở công ty cũ, ở trong nhóm hay các dự án ở trường. Sau đó, mình sẽ so sánh danh sách này với bản mô tả công việc (Job Description - JD) và quan sát thêm khi đến địa điểm phỏng vấn, để cân nhắc xem chỗ làm này có phù hợp hay không.

2. Không "rải truyền đơn"
Cũng là tìm kiếm một công việc phù hợp, nhưng bây giờ chúng ta nhìn về mặt lâu dài. Đối với mình, một người hướng nội, thì nếu những mục tiêu, giá trị, sản phẩm và dịch vụ của công ty không phù hợp, mình thường không muốn cống hiến hết mình.
Nhìn lại thì giữa hàng chục, hàng trăm công ty mình gửi đơn xin việc, chỉ có khoảng 30% trong số đó là mình có điều chỉnh lại hồ sơ và thư ứng tuyển cho phù hợp. Và trong số đó, chỉ có khoảng 10 công ty là mình lên website và các diễn đàn để nghiên cứu kỹ thông tin.
Mình nhận ra chỉ khi xác định được các công ty này phù hợp với giá trị bản thân và có cơ hội để phát triển trong tương lai, thì mình mới đặt quyết tâm ứng tuyển mạnh mẽ. Và thực sự, đây cũng là những công ty có tỉ lệ phản hồi mình cao nhất.
Khi đã được mời phỏng vấn, thì mình bắt đầu sử dụng các thế mạnh hướng nội là lắng nghe và quan sát để xác định chắc chắn hơn sự phù hợp của những công ty này. Và mình sẽ tin vào trực giác bản thân khi đã có đầy đủ các dữ liệu cần thiết.  
Trong công việc đầu tiên được nhận ở đợt xin việc này, mình thấy khá bất an và lấn cấn. Mình liên tục có cảm giác bị cắt lời, bị gây áp lực và không được cho cơ hội cân nhắc về lời đề nghị công việc. Ngoài ra, mức lương khởi điểm rất thấp so với khối lượng công việc được nêu ra, cũng như kinh nghiệm của mình.
Sau khi từ chối cơ hội việc làm đó, mình thật sự cảm thấy nhẹ nhõm. Và khi đối chiếu với những dấu hiệu tại sao bạn không nên nhận một công việc, mình xác định được trực giác của bản thân hoàn toàn đúng.

samsung-memory-zFzbcadA0Ro-unsplash (1).jpg
3. Bày tỏ nguyện vọng tìm việc với những người tin cậy
Hãy hít một hơi thật sâu và gửi tin nhắn cho những người bạn cũ, giáo viên cũ hay đồng nghiệp cũ bởi họ có thể giúp bạn tránh được giai đoạn khó khăn là tiếp xúc với người lạ. Ngoài ra, họ cũng sẽ biết rõ năng lực cùng kinh nghiệm của bạn để giới thiệu bạn tới nơi phù hợp.
Nếu bạn muốn gửi đơn xin việc vào một công ty và bạn biết có người quen đang làm hoặc từng làm ở đó, hãy liên lạc với họ và nhờ họ giới thiệu với công ty. Điều này sẽ giúp công ty cân nhắc hồ sơ của bạn hơn, và khả năng bạn được phỏng vấn đợt 1 sẽ cao hơn.
Bản thân mình cũng đã được 2 người bạn giới thiệu cơ hội việc làm hay được giáo viên thực tập sẵn lòng gửi thư giới thiệu khi bày tỏ nguyện vọng muốn tìm việc.
4. Diễn tập cách trình bày thế mạnh bản thân
Là một người hướng nội, mình thường xuyên cảm thấy khó khăn khi nói về thành tựu bản thân và tất nhiên nó ảnh hưởng không nhỏ tới việc ứng tuyển.
Hiểu được điều này, có một nhà tuyển dụng đã khuyên mình dùng số liệu để nói về các thành tích của bản thân. Điều này giúp hồ sơ xin việc của mình nổi bật, dễ đánh giá hơn và chính mình cũng không phải ngượng ngùng khi tự nhận xét về bản thân.
Chẳng hạn thay vì nói mình có kỹ năng quản lý hay tổng hợp nhạy bén thì mình chuyển thành: “Tôi chịu trách nhiệm về lương và bổng lợi cho 200 nhân viên” hoặc “Tôi tổng hợp thông tin bán hàng từ 20 bộ phận và quản lý mức doanh thu hằng tháng”...
Ngoài ra, để chia sẻ về các thành tựu một cách không ngượng ngùng, mình đã tập nói trước gương, sau đó ghi âm và nghe lại để chỉnh sửa. Khi đã tự tin hơn, mình tập nói với em họ, người yêu và những đứa bạn thân. Sau một vài lần được góp ý, mình đã cải thiện được độ trôi chảy và tự nhiên khi nói mà không tỏ ra quá kiêu ngạo.

—  TNTalent - Giải pháp nhân sự

 Theo Vietcetera