Sign In

“Quản lý” hay “Chuyên viên”, bạn chọn con đường sự nghiệp nào?

27 Tháng 5, 2021

Có bao giờ bạn tự hỏi rằng, để thành công thì chúng ta nên trở thành một người đa năng hay một chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể? Đã có nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng đâu mới thật sự là câu trả lời đúng. Hãy đọc bài viết dưới đây và tìm ra đáp án cho riêng mình nhé.

Thế nào là “Quản lý chung” (Generalist) và “Chuyên viên” (Specialist)?
Thông qua tên gọi, chúng ta cũng đã có những hình dung sơ bộ về hai hình mẫu Quản lý chung và Chuyên viên. Đối với vị trí Quản lý chung (Generalist), họ chính là người phụ trách những công việc mang tính chất tổng quát, đa dạng ở hai hay nhiều lĩnh vực. Họ phát triển công việc theo chiều ngang: Đặt góc nhìn ở vị trí bao quát, tổng thể và có thể giải quyết công việc ở những lĩnh vực khác nhau.
>> Xem thêm việc làm cho vị trí QUẢN LÝ


Trong khi đó, vị trí Chuyên viên (Specialist) vốn có chữ “chuyên” mang hàm nghĩa chuyên sâu. Những người thuộc vị trí này có tay nghề vững, chuyên môn sâu ở một phạm trù kiến thức và lĩnh vực công việc nhất định. Họ có sự hiểu biết sâu sắc và bài bản về một ngành nghề cụ thể sau những năm tháng học tập và tích lũy. Họ phát triển công việc theo chiều dọc: Không ngừng đào sâu, nghiên cứu và tìm tòi thêm về lĩnh vực mũi nhọn mà mình đang theo đuổi.

>> Xem thêm việc làm cho vị trí CHUYÊN VIÊN

Trong một công ty, hai vị trí Quản lý chung và Chuyên viên luôn tồn tại đồng hành cùng nhau để phục vụ cho công việc chung đạt kết quả tốt nhất. Trong khi Chuyên viên ứng dụng kiến thức chuyên môn của mình trong việc triển khai chi tiết công việc, Quản lý chung sẽ đóng vai trò điều phối, phân chia công việc và nắm tiến độ chung để đảm bảo công việc được hoàn thành đúng theo kế hoạch đã đề ra trước đó.

Sự phối hợp ăn ý và hợp lý giữa hai vị trí công việc này sẽ giúp tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh: Vừa đi vào chi tiết song vẫn nắm bắt tiến độ công việc ở góc nhìn bao quát. Điều này sẽ giúp cho tập thể triển khai kế hoạch nhanh chóng cũng như đẩy hiệu quả công việc lên cao nhất.

Vị trí nào là chìa khóa dẫn đến thành công?
Nếu như ngày xưa, ông bà ta luôn khuyên rằng: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” để dặn dò con cháu nắm chắc một nghề trong tay để vững vàng và an tâm hơn, thay vì cái gì cũng biết mà lại chẳng tỏ chẳng tường cụ thể một điều gì. Thì ngày nay, với sự phát triển của cuộc sống hiện đại luôn không ngừng thay đổi, cỗ máy công việc vận hành không ngừng nghỉ đêm ngày, liệu quan điểm này có còn đúng đắn hay không?

Thực tế cho thấy những lời khuyên về phát triển sự nghiệp trong vài thập kỷ qua luôn nhấn mạnh vào yếu tố “năng lực cốt lõi”. Vậy cái “lõi” ở đây chính là độ sâu về kiến thức ngành – lĩnh vực họ theo đuổi. Một nền tảng kiến thức vững vàng sẽ là bậc thang cho họ theo đuổi công việc chuyên nghiệp cao hơn. Lãnh đạo của những công ty lớn đều có một nền tảng chuyên sâu về một lĩnh vực với tư cách là Chuyên viên trước khi trở thành một Quản lý chung đa nhiệm về nhiều lĩnh vực.

Sau khi có nền tảng chuyên môn vững vàng, để tiến lên những vị trí quản lý cao hơn, chúng ta sẽ cần những kỹ năng của một Quản lý chung, chẳng hạn như thử sức mình ở những lĩnh vực mới, rèn luyện tư tưởng cởi mở, kĩ năng quản lý đa nhiệm... Với sự kết hợp này, bạn có thể khẳng định bản thân như một người có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng đồng thời cũng thành thạo các nhiệm vụ trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
>> Xem thêm: Việc tốt lương cao dành cho Phụ nữ


Thế giới luôn luôn thay đổi. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo được dự đoán sẽ loại bỏ 40% công việc vào năm 2035. Những công việc trong tương lai đòi hỏi chúng ta phải có sự linh hoạt và học tập không ngừng để thích nghi với thị trường luôn đổi mới. Do đó, câu trả lời cho việc trở thành Chuyên viên hay Quản lý chung không phải là chọn vị trí nào mà chính xác là ta nên phát triển theo lộ trình nào. Lộ trình đúng là đi từ Chuyên viên lên Quản lý chung với những kỹ năng quản lý đa nhiệm và có một mức độ hiểu biết nhất định trong nhiều lĩnh vực.

Bạn đang ở vị trí nào trên lộ trình phát triển sự nghiệp? Hãy lên kế hoạch chinh phục bậc thang thành công mới và bắt tay vào hành động ngay nhé.
>> Xem thêm: 10 đặc điểm của một vị sếp tuyệt vời

—  TNTalent - Giải pháp nhân sự —