Sign In

Thuyết phục sếp thực hiện ý tưởng mới?

29 Tháng 5, 2021

Một ý tưởng vụt đến trong đầu vào lúc nửa đêm, bạn trăn trở với nó đến sáng. Hôm sau, phi đến văn phòng sau một đêm mất ngủ, nhìn thấy sếp vừa đến cơ quan, và buột ra ý tưởng mới đó của bạn.

​Và ngay lập tức bạn hiểu ra cảm giác của một ngôi sao đang trôi qua lỗ đen trên vũ trụ. Trong khoảng thời gian chưa tới 30 giây, sếp đã đưa ra một loạt các lý do vì sao những ý tưởng đó không được và bạn cảm thấy hình như công việc của mình mất hết ý nghĩa.

Nếu tình huống này xảy ra một lần, không sao hết. Hai lần, vẫn chấp nhận được. Nhưng nếu sếp liên tục lắc đầu trước năm ý tưởng tuyệt hay của bạn? Đừng nản lòng. Có những chiến lược hợp lý để giải quyết vấn đề này.

Hãy chắc chắn là bạn hiểu văn hóa công ty. Khi bước chân vào một công ty mới, điều đầu tiên cần nắm chắc là các thông tin, cách làm việc và các đặc điểm khác về công ty. Nắm được những yếu tố cơ bản sẽ giúp bạn hiểu rõ làm thế nào để thuyết phục hiệu quả ban giám đốc về các ý tưởng và dự án của mình. Rõ ràng không một người giám đốc nào muốn xem xét một ý tưởng khi nó không nằm trong các giá trị và tầm nhìn của công ty.

  • Thứ đến, bạn phải chắc chắn là mình hiểu biết về những người ra quyết định mà bạn định bán ý tưởng cho họ cũng như cách thức họ xem xét và xử lý vấn đề.

Một số người thường quá say mê với ý tưởng của họ mà quên mất yếu tố rất quan trọng. Đó là sếp.

Trình bày ý tưởng cho sếp cũng giống như khi bạn tiếp thị một sản phẩm. Sản phẩm đó là ý tưởng của bạn. Để thuyết phục khách hàng là sếp, bạn phải hiểu rõ nhu cầu của họ mới mong thành công. Vì thế nguyên tắc hàng đầu khi trình bày ý tưởng mới là ứng xử với sếp như một khách hàng. Điều này có nghĩa là ngoài tính cách, sở thích và các ưu tiên trong công việc, bạn phải đảm bảo rằng bạn biết ông ấy muốn gì. Biết sếp muốn gì sẽ giúp bạn tìm ra cách để liên hệ ý tưởng của bạn với nhu cầu của sếp.
Nếu cần thiết, hãy thỏa hiệp đôi chút. Hãy luôn nhớ rằng mục đích cuối cùng là ý tưởng của bạn được thực hiện. Một vài thay đổi nho nhỏ nếu không làm thay đổi ý tưởng của bạn thì hoàn toàn có thể chấp nhận được. Hãy nghĩ đến kết quả cuối cùng, thay vì tự ái vì những điều lặt vặt.

  • Cách trình bày vấn đề cũng không kém phần quan trọng.

Bạn phải có cách trình bày phù hợp với tính cách và cách thức làm việc và xử lý thông tin của họ. Ví dụ, nếu sếp là một kỹ sư hay kế toán, một bản trình bày bằng các con số sẽ diễn giải được ý tưởng của bạn. Nếu sếp là người có thiên hướng nhìn bản vẽ, bạn có thể sử dụng hình ảnh hay các loại biểu đồ. Một số người sẽ thích đọc văn bản trong khi với những người khác, bạn đạt hiệu quả cao nhất nếu chọn cách cùng ngồi xuống và thảo luận về ý tưởng đó.
Một phương án hay nữa là tạo điều kiện để sếp bạn trực tiếp tham gia vào ý tưởng đó. Nếu sếp chỉ là người đứng ngoài với dự án đó, thì nhiều khả năng họ sẽ không tin tưởng bạn sẽ làm được. Nếu một người tự cảm thấy họ là người nghĩ ra hoặc thực hiện một ý tưởng hay một dự án, rõ ràng người đó sẽ cảm thấy nhiệt thành hơn trong việc cổ vũ cho dự án thực hiện ý tưởng đó.

  • Nếu tất cả các biện pháp trên đều không hiệu quả, hãy thử cách cuối cùng có thể rất hiệu quả mặc dù bạn có thể không khoái lắm. Nhường lại vinh quang cho thế hệ trẻ. Đây là kinh nghiệm thực tiễn của công ty công nghệ Mỹ Mindbridge.

Ý tưởng tung ra thị trường sản phẩm bán chạy nhất hiện nay của công ty, Intrasmart-một phần mềm ứng dụng mạng nội bộ, xuất hiện trong một buổi họp của ban điều hành quản trị công ty cách đây khoảng 7, 8 năm. Việc trình bày và chấp nhận ý tưởng đó có thể được coi là một “bước ngoặt lớn” bởi ban quản trị lúc đó đang có kế hoạch bán lại sản phẩm của các công ty khác. Sau đó ban quản trị đã thay đổi quyết định và thay vào đó tự tiếp thị sản phẩm của công ty mình. Tuy nhiên, vì đó là tình huống mà công ty không thể lường hết được mọi rủi ro nên ý tưởng này đã được giao lại cho một thực tập sinh 19 tuổi mới vào công ty được vài tháng. Chàng trai này với sự nhiệt tình vì được tin tưởng đã triển khai ý tưởng thành công và hiện nay Intrasmart vẫn là sản phẩm chủ lực của công ty.

Có rất nhiều cách để thuyết phục sếp thực hiện ý tưởng của bạn. Điều quan trọng là đừng dễ dàng bỏ phí các ý tưởng và các cơ hội của mình.

>> Xem thêm: 7 loại công ty không bao giờ khá lên nổi, ai muốn làm chủ nên rút kinh nghiệm

—  TNTalent - Giải pháp nhân sự —