Sau làn sóng “bão giá” khiến cuộc sống chi tiêu đảo lộn, dân văn phòng lại tiếp tục phải đối mặt với một “cơn bão” khác cũng căng thẳng không kém. Theo đó, nhiều công ty gặp ảnh hưởng, khó khăn trong việc duy trì hoạt động nên buộc phải giảm lương nhân viên hoặc cắt giảm nhân sự.
Điều này khiến nhiều người phải đứng trước tình cảnh mất việc, từ dân văn phòng hóa người thất nghiệp. Bên cạnh đó, việc cắt giảm nhân sự vào thời điểm cuối năm, cận Tết khiến ai nấy đều hụt hẫng, hoang mang bởi mất nguồn thu nhập chính, khó tìm công việc mới.
Người đi, người ở đều chung một tâm trạng lo lắng, hụt hẫng
Thanh Trang (tên nhân vật đã được thay đổi), 23 tuổi làm công việc kế toán từng nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự của công ty vào tháng 10 vừa qua. Theo cô bạn chia sẻ, do công ty gặp khó khăn trong việc kinh doanh nên việc cắt giảm là phương án tốt nhất để duy trì. Thời điểm nghỉ việc, Thanh Trang là một trong những nhân sự mới, gắn bó với công ty được gần 1 năm do đó cô cũng phần nào dự đoán mình sẽ là “người được chọn”.
“Mặc dù mình cũng đã chuẩn bị trước tâm lý nhưng khi nhận thông báo chính thức vẫn cảm thấy rất buồn, hụt hẫng. Mình cũng không thể tả rõ được cảm giác lúc đó nhưng thực sự mình bị mất phương hướng, không biết phải làm gì tiếp theo. Mình hiểu công ty cũng có những cái khó riêng và quyết định này không thể thay đổi, nên mình buộc phải chấp nhận” , Thanh Trang nói.
Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng vẫn hụt hẫng khi nhận thông báo bị cắt giảm nhân sự (Ảnh minh họa: Pexels)
Cùng chung một tâm trạng, Minh Quang (28 tuổi) cũng cảm thấy “gục ngã” khi biết tin mình bị nghỉ việc. Anh cho biết, mô hình công ty của anh khá nhỏ, chỉ khoảng 20 nhân sự nhưng phải gần một nửa trong số đó nghỉ việc. Minh Quang kể: “Có lẽ mình sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc ấy, nó vừa buồn, vừa sợ và dường như mọi người trong công ty đều muốn trào nước mắt. Trong buổi họp đó, sếp thẳng thắn chia sẻ về những vấn đề công ty đang gặp phải cùng chính sách thay đổi nhân sự.
Mình và 2 bạn đồng nghiệp khác vì là nhân sự mới, chưa có nhiều năm gắn bó nên nằm trong danh sách cắt giảm. Còn những nhân sự lâu năm, sếp đưa ra phương án cho họ lựa chọn. Họ có thể tiếp tục ở lại với công ty nhưng mức lương sẽ giảm hoặc không, họ chủ động nghỉ việc để tìm một công việc mới tốt hơn” .
Minh Quang cho biết, anh rất thích môi trường làm việc tại đây nên buồn và tiếc khi phải chia tay mọi người. Còn về việc bản thân bị cắt giảm, Minh Quang hiểu đó là tình hình chung và cấp trên của anh cũng rất tốt khi cố gắng tìm kiếm, giới thiệu chỗ làm mới cho nhân viên.
May mắn hơn so với 2 trường hợp trên, Nguyễn Xuân (27 tuổi) chia sẻ: “Mình chưa biết bản thân có nằm trong diện cắt giảm không hoặc cũng không biết mình có bị điều chuyển sang làm công việc khác hay không. Nên mình vừa lo cho mình, vừa hụt hẫng vì thấy người khác phải rời đi. Thời điểm cận Tết, công việc hiện tại có thể sẽ gấp đôi lúc trước do gánh thêm việc của người khác nữa. Đôi lúc mình cũng mệt mỏi, áp lực nhưng vẫn cố gắng duy trì qua giai đoạn này vì không ai muốn bỏ việc giữa chừng” .
Người ở lại vừa lo cho mình, vừa hụt hẫng khi nhân sự khác phải rời đi (Ảnh: NVCC)
Cắt giảm chi tiêu vì khó tìm việc thời điểm cuối năm
Giống như Nguyễn Xuân chia sẻ, thường không mấy ai sẽ lựa chọn nghỉ việc vào thời điểm cuối năm bởi sẽ rất khó tìm việc. “Bản thân mình cũng không muốn nhảy việc khi gần Tết. Vì các công ty thường ít khi tuyển nhân viên mới thời gian này nên thứ nhất khó xin việc mới. Thứ hai, mình nghĩ ai đi làm cũng chờ mong thưởng Tết. Bởi đó là thành quả mà chúng ta cố gắng trong một năm. Vì vậy nếu phải nghỉ việc thời gian này thực sự rất khó khăn” , Xuân nói.
Tuy nhiên, đó lại là những trải nghiệm mà Minh Quang đang trải qua. Anh cho biết, lĩnh vực mà anh theo đuổi có rất nhiều việc để làm nhưng chủ yếu thời điểm này họ chỉ tuyển thời vụ, tự do. Còn nếu muốn tìm một công việc fulltime, môi trường tốt để gắn bó dường như là không thể.
Minh Quang chia sẻ về dự định cá nhân: “Hiện mình đang làm công việc bán thời gian để có đồng ra đồng vào. Mình vẫn tìm kiếm tin tuyển dụng để gửi hồ sơ nhưng thực sự là rất khó. Tâm lý của mình cũng còn đang khá uể oải và nản sau khi phải nghỉ việc. Do vậy mình xác định sẽ thất nghiệp từ giờ tới qua Tết” .
Bỗng dưng thất nghiệp, buộc phải cắt giảm chi tiêu vì không biết bao giờ mới tìm được việc mới (Ảnh minh họa: Pinterest)
Anh cũng cho biết mức lương khi còn đi làm là khoảng 10 triệu/tháng, còn công việc freelance hiện tại chỉ bằng một nửa. Thu nhập giảm, Minh Quang buộc phải cắt giảm chi tiêu để chuẩn bị cho tình trạng “ế việc” trong thời gian dài. “Mình chưa có kế hoạch cụ thể, cứ xoay xở theo tình huống thôi. Nhưng có thể thời gian thất nghiệp sẽ kéo dài nên mình chủ động cắt bỏ những khoản chi không cần thiết. Ngoài ra, mình cố gắng nhận nhiều đầu việc freelance để tăng thu nhập. Dẫu vậy, Tết này mình chắc chắn sẽ không thể sắm sửa hoành tráng được như mọi năm rồi” , Minh Quang giãi bày.
Còn đối với Thanh Trang, sau khi bị cắt giảm nhân sự, cô dành thời gian cho bản thân. Nhìn nhận lại khả năng của mình, đi du lịch là cách để cô cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn sau khi trải qua một sự thay đổi bất ngờ trong công việc.
“Dĩ nhiên so với thời điểm này, lúc mình nghỉ việc vẫn còn chút may mắn hơn so với các bạn khác. Vì nếu nghỉ càng gần Tết, càng đối mặt với nhiều áp lực hơn. Hơn nữa công việc của mình là kế toán, nhu cầu tuyển dụng cũng cao nên mình đã nhanh chóng tìm được công việc mới. Còn về chi tiêu, mình phải trả tiền thuê nhà, điện nước,... những chi phí cứng không thể thay đổi. Còn các khoản khác mình cũng tiết kiệm hơn trong thời gian chưa tìm được việc mới. Tuy nhiên, mình vẫn có chị gái hỗ trợ thêm nên mọi thứ không bị xáo trộn quá nhiều” , Thanh Trang chia sẻ.