"Year end party" (YEP) hay còn gọi tiệc tất niên là một sự kiện thường niên của hầu hết các công ty, doanh nghiệp. Bữa tiệc cuối năm này được tổ chức với nhiều mục đích, chẳng những là dịp “mừng công”, tổng kết một năm kinh doanh mà còn là cơ hội tri ân nhân viên cũng như các đối tác đã góp sức cùng công ty trong suốt một năm vừa qua.
Tuy rằng chưa đến ngày “chính hội” nhưng với nhiều người, mùa YEP năm nay tại Hà Nội đã bắt đầu từ khoảng 2-3 tháng nay rồi. Vậy tình hình năm nay ra sao, hãy cùng lắng nghe nỗi lòng của nhân viên văn hóa nội bộ, nhân viên tổ chức hay người làm dịch vụ... về sự kiện được giới văn phòng mong chờ nhất trong năm.
Công ty “đau đầu” vì quy mô tiệc lớn
Là nhân viên phòng văn hóa nội bộ của một công ty có yếu tố nước ngoài, anh Trần Nghĩa cho biết: “Kế hoạch tổ chức year end party của chúng tôi đã được gửi lên lãnh đạo duyệt trong cuộc họp cuối tháng 9. Năm nay, dự kiến sự kiện sẽ đón khoảng 1500 người tham gia, bao gồm nhân viên công ty và khách mời. Chưa kể, sếp tôi còn mong muốn sẽ tìm địa điểm khác ở ngay trong nội thành thay vì làm tại công ty như mọi năm”.
“Tuy nhiên, khi tôi gọi điện đến các khách sạn có khuôn viên hay sảnh lớn đều nhận được lời từ chối bởi đã kín lịch các buổi tối trong tháng 12. Phải liên hệ và đi khảo sát đến lần thứ 20, tôi đành chọn một khu ẩm thực trên đường Lạc Long Quân, song, công ty phải chấp nhận kinh phí thuê địa điểm đắt hơn cả chục triệu đồng. Dù vẫn nằm trong hạn mức dự kiến ban đầu của chúng tôi nhưng sẽ có một vài hạng mục khác phải giảm bớt”.
Thuận Triệu phải đặt cọc địa điểm tổ chức tiệc cuối năm cho công ty từ 1 tháng trước
Còn Thuận Triệu đã sớm chốt được một địa điểm lý tưởng để tổ chức tiệc cuối năm cho công ty bán lẻ:
“Year end party năm nay, công ty tôi dự kiến có sự tham gia của 1100 người. Thật ra, ở Hà Nội không khó để tìm những địa điểm lớn, nhưng chúng tôi chỉ có một mức chi phí vừa phải. Do đó, tôi đã khảo sát và lập ra một danh sách các trung tâm sự kiện, khuôn viên tổ chức tiệc ở cả nội và ngoại thành Hà Nội, nhưng vẫn ưu tiên ở các quận gần trụ sở công ty hơn”.
“May mắn sao, hồi đầu tháng 10, khi tới xem không gian đầu tiên tôi đã thấy khá hài lòng bởi phòng sự kiện thiết kế sân khấu rộng, ít cột nên tầm nhìn rộng, sẽ thoải mái giao lưu hơn. Bên tổ chức cũng nói rằng vẫn còn một vài lịch trống nhưng với yêu cầu khách phải đặt cọc trước. Vậy là chúng tôi chốt luôn không nghĩ ngợi thêm nhiều nữa”.
Không thuận lợi như các đồng nghiệp kể trên, chị Mai Anh bộc bạch: “Năm ngoái không tổ chức được tiệc tất niên cho nhân viên bởi vì vướng dịch bệnh nên năm nay, công ty tôi lên kế hoạch bù lại, mở rộng quy mô, nâng kinh phí một chút. Nhưng tôi lại càng đau đầu hơn vì phải tìm công ty tổ chức sự kiện, rồi còn địa điểm nữa. Chúng tôi đã đi hơn 10 nơi nhưng chưa tìm được chỗ nào ưng ý cả, chỗ rộng, đẹp thì đội giá cao quá, chỗ rẻ hơn thì màn hình led nhỏ, đồ ăn không đa dạng, không hẹn được đầu bếp”.
Nhân viên hoang mang
Trong khi Nghĩa, Thuận hay chị Mai Anh phải “vắt chân lên cổ” mà lo lắng cho sự kiện cuối năm thì không khí làm việc ở một số công ty khác trái ngược hoàn toàn. Thậm chí, ngay chính những người phụ trách mảng văn hóa, truyền thông nội bộ lại hoang mang chẳng biết có được dự tiệc tất niên hay không.
“Mọi năm đến tầm này là chúng tôi đã gần như chuẩn bị xong hết các phương án cho bữa tiệc cuối năm, có chăng là hội anh chị em túm tụm tìm ảnh làm clip tổng kết nữa thôi. Năm nay, dù chưa được nhắc nhưng team tôi cũng họp bàn để lên kế hoạch sơ bộ. Vậy mà trong cuộc họp đầu tháng, ban lãnh đạo bảo rằng cứ để đó đã, với tình hình hiện tại, có lẽ công ty chỉ làm một buổi gặp gỡ thân mật ở ngay nhà ăn, cử các trưởng phòng tham gia còn sẽ gửi quà cho nhân viên”, Thu Hằng không giấu nổi sự thất vọng khi chia sẻ.
Năm trước quẩy "banh nóc", năm nay nhiều công ty rơi vào cảnh không có tiệc tất niên (Ảnh minh họa: Pixels)
Còn Trung Hiếu cho biết: “Ở buổi họp giao ban tuần vừa rồi, công ty tôi đã thống nhất rõ. Vấn đề tài chính hiện tại không còn dư dả để tổ chức cho nhân viên đi các nơi xa, nghỉ dưỡng 2-3 ngày và ăn tiệc linh đình như mọi năm. Chi phí tổ chức năm nay của chúng tôi chỉ bằng 30% so với những năm trước đó. Do đó, tôi đang tìm kiếm những địa điểm ở quanh Hà Nội để cố gắng làm sao cho nhân viên có một bữa tiệc thân mật kéo dài 3 tiếng, gắn kết tình đồng nghiệp, cảm ơn sự cống hiến của họ trong thời gian vừa qua”.
Những người làm dịch vụ tổ chức sự kiện nói gì?
Theo anh Dũng, quản lý tại một trung tâm sự kiện cho biết: “Riêng với chỗ của chúng tôi sẽ ưu tiên các doanh nghiệp là khách quen trước và đa phần họ đã đặt lịch sẵn rồi. Nhưng hiện tại, lịch tuần thứ 3 của tháng 12, ngoài các đám cưới thì còn trống tương đối nếu không dám nói rằng sụt giảm hẳn so với những năm trước dịch”.
“Cũng có nhiều công ty liên hệ tôi muốn đến khảo sát hội trường và bàn bạc, song vấn đề khiến họ lăn tăn nhất là chi phí. Chúng tôi đã cố gắng tính toán, giữ nguyên tiền mặt bằng cho khách hàng, nhưng các phần như làm cỗ, tiền công phục vụ, trang trí hội trường thì khó mà bớt thêm được. Hiện tại, mức giá trung bình chúng tôi đưa ra cho khách hàng là 5 - 6 triệu/bàn 9 người tại phòng tiệc quy mô 1500 người, 6-8 triệu/bàn ở phòng tiệc quy mô 50 - 120 người”.
Những trung tâm sự kiện có thiết kế ít cột sẽ rộng rãi và được nhiều công ty lựa chọn hơn (Ảnh: CMT Palace, Thuận Triệu)
“Năm nay chủ yếu chúng tôi làm tiệc cuối năm cho các công ty ở địa điểm nội thành Hà Nội. Đến thời điểm này tôi mới ký được 6 hợp đồng tổ chức ở khu sinh thái ngoại thành. Đặc biệt, dù nhiều nơi có các loại phòng xịn - mịn nhưng phòng tiệc quy mô 50 - 130 người 'đắt khách' nhất. Nhiều khách hàng đưa ra kinh phí mà họ có thể trả cho phần thuê địa điểm, setup bàn ăn, sân khấu, ánh sáng chỉ là 10 - 12 triệu đồng”, anh Dương làm việc ở công ty tổ chức sự kiện cho biết.