Sign In

Chiến lược tuyển dụng sinh viên: 6 lời khuyên HR không nên bỏ qua

4 Tháng 11, 2020

Khi thị trường tuyển dụng ngày càng sôi động và thách thức, dường như chúng ta có thể thấy được sự không cân xứng giữa ưu tiên của Nhà tuyển dụng và người tìm việc, đặc biệt là trong quá trình tuyển dụng sinh viên. Nhà tuyển dụng thường đặt tiêu chí tìm kiếm kỹ năng và kinh nghiệm lên hàng đầu trong khi đó sinh viên hiện nay lại có những trăn trở khác, chẳng hạn như độ phù hợp với doanh nghiệp, văn hóa, sự linh hoạt và cơ hội đào tạo đều quan trọng đối với nhóm ứng viên này.

Có lẽ vì thế, nhiều sinh viên đã tốt nghiệp vẫn đang gặp khó khăn khi tìm việc mặc dù đã hoàn tất chương trình học, đặc biệt là trong giai đoạn vấp phải biến động của đại dịch vừa qua.

Vậy, làm thế nào Nhân sự có thể thúc đẩy nhóm ứng viên này bước ra khỏi vùng an toàn và lựa chọn đồng hành cùng doanh nghiệp? Dưới đây là 6 lời khuyên mà Việc làm gần nhà mong muốn được chia sẻ. 

Xem xét lại yêu cầu tuyển dụng

61% công việc ở cấp độ đầu vào của đòi hỏi phải có 3 năm kinh nghiệm trở lên (theo một báo cáo của TalentWorks), điều này gần như “chênh lệch” với những giá trị mà một sinh viên có thể sở hữu. Vì thế, bằng cách xem xét lại các yêu cầu công việc, bạn sẽ có thể thu hút nhiều ứng viên tiềm năng hơn.

Đa số sinh viên trong quá trình tìm việc làm thêm đều đã từng trải qua cảm giác này: Tìm thấy công việc mình yêu thích ở cấp độ junior chỉ để nhận thấy rằng vị trí ấy đòi hỏi kinh nghiệm và những kỹ năng chuyên môn khác. Để có thể giảm bớt áp lực cho ứng viên, Nhân sự cần phải xem xét lại, đâu là những kỹ năng cần thiết và cách ứng xử phù hợp với thương hiệu của bạn?

Thay vì tập trung vào kinh nghiệm thực tế có liên quan trực tiếp đến vị trí mở tuyển, bạn nên tập trung vào các kỹ năng có thể chuyển đổi và cân nhắc những gì ứng viên đã làm được ở trường bên cạnh việc học. Tham gia câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa và tình nguyện là những ví dụ tuyệt vời để bạn có thể nhìn vào và xác định xem ứng viên có phù hợp với tổ chức hay không.

Tối ưu thời gian tuyển dụng

Một trong những điều đầu tiên bạn nên làm là xem xét lịch phỏng vấn và làm việc của bạn có phù hợp với lịch học hay không. Và để có thể đơn giản hóa quy trình sắp xếp này, công nghệ có thể giúp Nhân sự giản lược bớt một số những công đoạn giấy tờ không cần thiết, tuy nhiên bạn vẫn nên bắt đầu kế hoạch tuyển dụng của mình từ sớm để có thể đón đầu những đối thủ khác trong thị trường việc làm hiện nay. Bởi nếu bạn bắt đầu quá muộn, bạn có thể sẽ vụt mất những ứng viên tiềm năng vào tay những doanh nghiệp khác. Bạn có thể tạo ra những hoạt động nho nhỏ trên mạng xã hội như mini game hoặc chia sẻ về môi trường làm việc của mình.

Đa dạng hóa nguồn ứng viên

Một trong những thách thức hàng đầu mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi tuyển dụng sinh viên chính là tìm nguồn ứng viên, đặc biệt là khi bạn chỉ tuyển ở một khối ngành nhất định. Một phần của việc tiếp cận ứng viên phù hợp chính là biết phải đi đâu để tìm kiếm họ. Thay vì tập trung vào một trường Đại học cụ thể, chúng ta có thể nhắm đến các trường Đại học khác nhau bằng những chương trình liên quan để tăng cơ hội gặp gỡ, chẳng hạn như hội chợ nghề nghiệp hoặc hội thảo tư vấn. 

Không phải sinh viên nào cũng tìm kiếm công việc tại những nơi bạn đầu tư quảng cáo, do đó cách tiếp cận tốt nhất khi thực hiện tuyển dụng số lượng lớn vẫn là trực tiếp trao đổi và chia sẻ cùng ứng viên. 

Tuy nhiên, tuyển dụng sinh viên không chỉ dừng lại ở hội chợ nghề nghiệp hay các hoạt động trong khuôn viên trường học. Đó là lý do tại sao Nhân sự cần phát triển một chiến lược tìm nguồn ứng viên đa diện và biết được sinh viên sẽ tìm kiếm về bạn ở đâu và vào giai đoạn nào của quy trình ứng tuyển. Để xác định thành công những điểm chạm này, bạn nên theo dõi các kênh tuyển dụng khác nhau để tối ưu hóa hiệu quả và chi phí của mình.

012 - 2.jpg

Triển khai quy trình sàng lọc đúng cách

Sử dụng những bài đánh giá khách quan trong quá trình lựa chọn sẽ giúp bạn tìm được ứng viên phù hợp với tổ chức của mình. Ngoài ra, việc đánh giá này không chỉ giúp bạn phát hiện ra đặc điểm của ứng viên mà còn hỗ trợ bạn gia tăng sự đa dạng & hòa hợp trong đội ngũ làm việc tại cửa hàng hoặc chi nhánh nhất định. 

Khi phỏng vấn ứng viên, hãy tập trung vào lý do tại sao họ muốn thử sức với công việc này, những gì họ mong đợi từ nơi làm việc và mục tiêu mà họ mong muốn hướng đến là gì, thay vì chỉ tập trung vào kỹ năng và kinh nghiệm. Điều này sẽ giúp bạn và ứng viên thấu hiểu được sự phù hợp mà cả hai đang tìm kiếm ở doanh nghiệp, thay vì chỉ tìm kiếm người phù hợp với bảng mô tả công việc tại thời điểm đó. Đây cũng chính là cơ sở ban đầu để xây dựng sự gắn bó lâu dài của nhân viên đối với công việc của họ. 

Dành thời gian và nguồn lực cho đào tạo

Như đã đề cập trước đó, cơ hội phát triển là một trong những yếu tố quan trọng để ứng viên đi đến quyết định lựa chọn gia nhập, kể cả đối với sinh viên nói riêng và người tìm việc nói chung. 

92% người tìm việc nhận định cơ hội phát triển chuyên nghiệp ở mức “Quan trọng” hoặc “Rất quan trọng” (BetterBuys). Đây là lý do tại sao bạn nên dành thời gian và nguồn lực để đào tạo nhân viên mới. Điều này sẽ chứng minh rằng doanh nghiệp của bạn thật sự coi trọng nhân tài và quan tâm đến lộ trình thăng tiến của họ. 

Có thể nhân viên của bạn vẫn chưa trau dồi đủ kỹ năng cần thiết, bạn có thể hướng dẫn cho họ kèm theo đó là tinh thần quản lý đội nhóm. Khi nhân viên đã bắt đầu tích lũy kinh nghiệm và biết cách để dẫn dắt công việc, bạn có thể đề xuất cho họ được thăng chức hoặc thực hiện nhiệm vụ ở một vị trí cao hơn. Đồng thời, cách này sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực tuyển dụng của bạn. Thông qua những chia sẻ từ anh chị đi trước, sinh viên mới sẽ ngày càng chú ý đến những doanh nghiệp cho họ cơ hội phát triển rõ ràng. 

Bạn có thể bắt đầu phát triển nhân viên tại công ty bằng cách nuôi dưỡng văn hóa, tiếp cận nhu cầu của từng cá nhân và xác định lộ trình nghề nghiệp.

Thể hiện tầm nhìn và sứ mệnh rõ ràng

Đa số sinh viên hiện nay thuộc thế hệ Z – thế hệ luôn tìm kiếm ở Thương hiệu Nhà tuyển dụng những sứ mệnh đại diện cho giá trị cộng đồng và cả giá trị bên trong mỗi cá nhân. Việc chia sẻ rõ ràng sứ mệnh mà doanh nghiệp của bạn mong muốn thực hiện cho khách hàng và cộng đồng là một phần nên được thêm vào trong quá trình phỏng vấn. Ngoài ra, bạn cũng cần mô tả cụ thể làm thế nào để thực hiện sứ mệnh đó trong những nhiệm vụ hằng ngày. 

Mặc dù tuyển dụng sinh viên đòi hỏi bạn phải dành nhiều nỗ lực để thấu hiểu cũng như đào tạo cho mục đích gắn bó lâu dài, nhưng họ sẽ là lực lượng lao động chủ chốt mang đến những giá trị đa dạng và mới mẻ. Với tinh thần làm chủ, họ có thể chia sẻ những ý tưởng sáng tạo giúp thúc đẩy và phát triển tổ chức cũng như thu hẹp khoảng cách về kỹ năng sau khi thế hệ Millennials và Baby Boomers nghỉ hưu.

Mong rằng những chia sẻ trên sẽ hữu ích cho Anh Chị HR trong quá trình tuyển dụng sinh viên và tiếp xúc với lực lượng lao động thế hệ mới trong tương lai.

—  TNTalent - Giải pháp nhân sự

Việc làm gần nhà - Trường Thanh (Theo Heather – Harver.com)