Sign In

7 điều ứng viên có kinh nghiệm nên “phỏng vấn” ngược lại nhà tuyển dụng

18 Tháng 11, 2020

Khác với những ứng viên còn “non nớt”, mới đi phỏng vấn lần đầu, những ứng viên có kinh nghiệm và đang phỏng vấn cho một vị trí cao cấp đã khá quen thuộc với quy trình phỏng vấn. Tuy nhiên, với cấp độ này, nhà tuyển dụng cũng sẽ đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cao hơn.

​Trong suy nghĩ thông thường của nhiều người, ứng viên là người sẽ trả lời mọi câu hỏi phỏng vấn nhà tuyển dụng đặt ra. Nhưng nếu bạn là một ứng viên dày dạn kinh nghiệm và đang tìm kiếm cơ hội ở một vị trí cao hơn, bạn cần biết cách đặt ngược lại câu hỏi cho nhà tuyển dụng.


Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, các vị trí cấp cao có thể yêu cầu mức độ giải quyết vấn đề sâu hơn và thông qua các câu hỏi ứng viên đặt ra trong buổi phỏng vấn, nó truyền đạt cho nhà tuyển dụng rằng bạn có những tố chất cần thiết để làm việc như mong đợi của nhà tuyển dụng. Hơn nữa, đặt câu hỏi trong buổi phỏng vấn cho thấy mức độ quan tâm thực sự của ứng viên và tăng tính tương tác giữa hai bên. Thậm chí, nếu một ứng viên có kinh nghiệm không đặt câu hỏi nào, nhà tuyển dụng có thể đánh giá ứng viên thiếu nhiệt tình với vị trí đang ứng tuyển.


Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý rằng, đặt câu hỏi không có nghĩa là tuỳ ý, hỏi bất cứ điều gì mà cần có sự cân nhắc, chọn những câu hỏi tạo được ấn tượng. Vậy đâu là những câu hỏi ứng viên nên đặt ra? Dưới đây là 7 ví dụ mà bạn có thể tham khảo.


1. Điều gì khiến anh/chị đã lựa chọn công ty này và cống hiến?

Khi một công ty thực sự là môi trường làm việc tuyệt với, người được hỏi sẽ không gặp khó khăn để trả lời. Thông qua câu trả lời đó, bạn không chỉ nắm bắt được quan điểm, cách làm việc của người lãnh đạo tương lai của bạn mà còn có một cái nhìn sâu sắc về văn hoá, tổ chức của công ty.


Đa phần các nhà tuyển dụng đều đánh giá cao những ứng viên đặt ra câu hỏi này. Vì nó cho phép họ nói lên kinh nghiệm của mình một cách cá nhân, mô tả được những lợi ích khi làm việc tại công ty.


2. Một ngày điển hình của anh/ chị tại công ty như thế nào?

Từ những chia sẻ về một ngày điển hình của người phỏng vấn bạn, bạn sẽ hiểu hơn về văn hoá, quy trình làm việc của công ty và bộ phận bạn ứng tuyển. Đồng thời, bạn có thể sẽ phát hiện thêm một khía cạnh nào đó trong công việc mà trước đây bạn chưa từng được biết. Không cần phải chờ đến lúc thử việc, ngay tại buổi phỏng vấn, câu hỏi này sẽ giúp bạn biết được một ngày của mình trong tương lai sẽ như thế nào, bạn có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống hay không hoặc bạn có thể tận hưởng công việc hay không. Điều này ít nhiều cũng sẽ giúp bạn không quá bỡ ngỡ khi vào làm việc.



3. Những thách thức lớn nhất trong bộ phận hiện nay là gì?

Nếu bạn đang ứng tuyển vào một vị trí quản lý thì câu hỏi này rất đắt giá. Bạn có thể nắm sơ bộ những thách thức đang tồn tại trong bộ phận mà bạn sẽ vào làm việc, quản lý và phần nào vạch ra được những cách thức để giải quyết. Khi người tuyển dụng đặt ra những thách thức hiện tại, ứng viên có cơ hội hoàn hảo để thảo luận về lí do và làm thế nào ngay tại buổi phỏng vấn. Đây cũng là một cách để bạn tạo ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng về kỹ năng, kinh nghiệm và trình độ.


4. Một người như thế nào sẽ thành công trong vai trò này?

Chắc hẳn ứng viên nào khi đi phỏng vấn cũng đều tự hỏi: Liệu rằng mình có phải là mẫu người mà công ty đang tìm kiếm hay không? Vậy tại sao không đặt ngược lại câu hỏi này với nhà tuyển dụng.


Với câu hỏi này, ứng viên sẽ biết được nhiều thông tin hơn những gì được thể hiện trong bản mô tả công việc. Bạn biết mình đang có lợi thế gì và đâu là những gì cần trau dồi thêm để làm tốt nếu được tuyển dụng. Bên cạnh đó, câu hỏi này cũng là cơ hội để bạn thể hiện bạn phù hợp với vị trí đang ứng tuyển như thế nào.


5. Tôi sẽ được đánh giá như thế nào trong vai trò này?

Đừng chỉ tìm kiếm một công việc bạn có thể làm, bạn nên tìm kiếm một công việc bạn có thể làm tốt. Với câu hỏi này, bạn có thể biết thành công được đo lường như thế nào, từ đó xác định chính xác những gì bạn mong đợi và khả năng đáp ứng của bạn là bao nhiêu. Nếu người tuyển không thể nói rõ được cách xác định thành công hoặc kỳ vọng về thành công quá cao, bạn nên cân nhắc lại.


6. Với nền tảng kinh nghiệm, trình độ của tôi, có điều gì khiến anh/ chị lo ngại về hiệu suất của tôi cho vị trí này không?

Mặc dù câu trả lời từ phía người tuyển dụng có thể khiến bạn không thoải mái hoặc tổn thương, nhưng nó rất đáng để hỏi. Bạn vừa có thể biết được điểm yếu mình cần khắc phục để hoàn thiện bản thân mình vừa khiến nhà tuyển dụng đánh giá sự trung thực, thẳng thắn, “biết người biết ta” của bạn.


Ngoài ra, khi nhà tuyển dụng nêu ra những điểm yếu của bạn, bạn có cơ hội để giải thích thêm lý do hoặc cách thức bạn đang cố gắng để cải thiện nó trong tương lai gần.


7. Phong cách lãnh đạo của anh/ chị là gì?

Không ít người tìm việc bị thu hút với các cơ hội mới vì mức lương cao hoặc phúc lợi ấn tượng, tuy nhiên, một điều quan trọng khác bạn nên lưu ý đó chính là mức độ hạnh phúc trong việc và nấc thang sự nghiệp. Một nhà lãnh đạo tốt, một nhà lãnh đạo giỏi sẽ biết cách để nhân viên cảm thấy thoải mái, dễ chịu, xứng đáng cống hiến và hơn hết là tạo cơ hội đưa nhân viên lên những vị trí cao hơn. Bằng cách đặt câu hỏi trên, bạn có thể đánh giá được văn hoá, phong cách của người quản lý mà bạn sẽ làm việc cũng như khả năng thăng tiến trong công việc như thế nào trước khi đưa ra quyết định chính xác.


Trên đây là những câu hỏi mà ứng viên có kinh nghiệm, ứng tuyển vào những vị trí cao cấp nên đặt ra cho nhà tuyển dụng. Không chỉ để tạo ấn tượng về sự chuyên nghiệp, mức độ quan tâm và nhiệt huyết bạn dành cho vị trí ứng tuyển mà còn để hiểu hơn về công việc tương lai, từ đó có những bước chuẩn bị cần thiết.

—  TNTalent - Giải pháp nhân sự

 Theo HR Insider