Sign In

Làm sao để “né” thị phi nơi công sở?

19 Tháng 7, 2021

“Mấy đời bánh đúc có xương - Đã làm công sở thì sẽ thường có thị phi”. Nói cho vui nhưng kỳ thực công sở là nơi có không ít thị phi, những lời đàm tiếu… Sẽ có những câu chuyện bạn không hề muốn tham gia. Nhưng làm sao để ứng xử khéo léo, né tránh những câu chuyện bên lề mà vẫn giữ được hòa khí và mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp?

​Không nằm ngoài “cuộc vui” nhưng đừng bình phẩm sâu vào câu chuyện 

Hội chị em luôn có 1001 câu chuyện ngoài công việc và nếu bạn tỏ thái độ khó chịu, phàn nàn một cách gay gắt thì rất dễ sứt mẻ tình chị em. Hoặc thậm chí chính bạn cũng rất có thể sẽ trở thành nhân vật chính trong một đề tài không tích cực nào đó. Để tránh trường hợp này, bạn có thể tham gia tán gẫu cùng đồng nghiệp một chút, thoải mái với những câu chuyện vui vẻ để không trở nên quá xa cách với những đồng nghiệp của mình. 
Tuy nhiên, nếu cảm giác câu chuyện đang đi quá đà và bạn thực sự cảm thấy khó chịu về điều đó, đó là lúc bạn có thể khéo léo từ chối bằng lý do tập trung vào công việc hoặc nói rằng bạn không thực sự quá quan tâm đến vấn đề này. Không bình phẩm sâu và cũng không “tiếp tay” cho những cuộc gièm pha. “Vui thôi đừng vui quá” chính là như thế. 

Không “hai mặt” 
Kỳ thực đây là vấn đề nhạy cảm. Những thị phi công sở phần lớn xuất phát từ những nhân vật có sở thích “buôn dưa lê”, gió chiều nào xoay chiều nấy hay thậm chí là “hai mặt”. Nghe có vẻ nặng nề, nhưng thực tế luôn có nhiều chuyện như thế. 
Muốn né thị phi, trước hết bản thân chúng ta phải là người không tạo ra thị phi. Tốt nhất nên giữ thế trung lập, không nên ngồi với người này lại “buôn chuyện” về người khác và ngược lại. Bởi tam sao thất bản, những lời đánh giá không hay về người khác rất có thể sẽ đến được tai họ. 

Bài học về sự “chừng mực” 
Sự chừng mực ở một nơi có quá nhiều người khác nhau, nhiều tính cách khác nhau và ai cũng muốn được nổi bật như công sở là điều vô cùng cần thiết. Ở một môi trường nhiều thị phi, nếu bạn là người quá giỏi – bạn sẽ trở thành trung tâm của điều tiếng. Nếu bạn quá thân thiết với sếp – bạn cũng sẽ trở thành trung tâm của điều tiếng. 
Nói như thế không có nghĩa là chọn một cách sống bình bình, không cần cố gắng, không cần nỗ lực gì. Trong bất cứ môi trường nào, phấn đấu để giỏi hơn và đến được một vị trí cao hơn là điều mà bất cứ ai cũng mong cầu. Nhưng ở một môi trường thị phi đầy rẫy, bạn cũng nên học cách khiêm tốn với những thành tích của mình, không thể hiện sự thái quá dẫn đến tự cao và tự tách mình ra khỏi những mối quan hệ đồng nghiệp vui vẻ. Trong bất cứ môi trường nào, tự tin đúng lúc, khiêm tốn đúng chỗ, hòa nhã với mọi người vẫn luôn là công thức đáng lưu tâm để được yêu mến hoặc ít nhất là không bị trở nên tách biệt. 
Thật ra nếu bạn là người không thích thị phi công sở – dù chỉ là người “hóng chuyện” đi chăng nữa – thì chắc chắn bạn sẽ biết cách để bản thân không sa đà vào chuyện đó. Tuy nhiên, công sở là một môi trường phức tạp. Dù bạn có may mắn gặp những đồng nghiệp thân thiện thì có lẽ cũng sẽ ít nhiều nghe qua hoặc chứng kiến một vài thị phi nào đó. Thị phi có thể không tránh khỏi, nhưng cũng không thị phi nào kéo dài mãi. Do đó, nếu không thể “né” thì tiếp nhận với một thái độ phù hợp và không để chúng ảnh hưởng đến công việc chính của chúng ta.
​​
—  TNTalent - Giải pháp nhân sự —
Nguồn HR Insider 4.0