Sign In

Điều chỉnh lương tối thiểu vùng và lợi ích của người lao động

16 Tháng 8, 2022

Theo Nghị quyết 27-TW năm 2018, giai đoạn 2021-2025, Nhà nước sẽ định kỳ thay đổi mức lương tối thiểu vùng hàng năm. Tuy nhiên, từ 1/1/2020 đến nay, do ảnh hưởng của Covid-19, Chính phủ không thay đổi mức lương tối thiểu vùng. Sau hai năm đại dịch, tốc độ trượt giá khiến mức lương tối thiểu vùng không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của NLĐ. Thực hiện theo chủ trương của chính phủ, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp nhiều vòng và thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022 thông qua nghị định 38/2022/NĐ-CP ban hành ngày 12/6/2022.

​​Những điểm mới trong nghị định 38

1. Bỏ quy định về lương tối thiểu cao hơn 7% cho lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề

Chủ trương của nghị quyết 27 TW về cải cách tiền lương bao gồm: bỏ thang bảng lương, xóa hệ số lương với lao động nhà nước, trong đó mức lương là thỏa thuận: không còn quy định yêu cầu 7% đối với lao động đã qua đào tạo.

Nghị định 38/2022/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên thực hiện theo tinh thần của nghị quyết 27 của TW về việc cải cách tiền lương: Bỏ quy định về lương tối thiểu cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề. Tiền lương do các bên lao động và sử dụng lao động tự thỏa thuận. Nghị định 38 chỉ quy định chung rằng mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương cho người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng. 

2. Quy định điều chỉnh lương tối thiểu vùng tăng 6%

Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương được trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Trong đó, mức lương theo công việc/chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu, còn phụ cấp lương và khoản bổ sung khác là những khoản tiền không bắt buộc. Chính vì vậy, mức lương thấp nhất trả cho người lao động phải bằng lương tối thiểu vùng.

Ngày 01/7/2022 vừa qua, khi lương tối thiểu vùng tăng 6%, người lao động đang được trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng mới sẽ được tăng lương. Tiền lương sau khi tăng phải bằng hoặc lớn hơn lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Cụ thể:

luong-toi-thieu-vung.png

Danh sách các đơn vị hành chính thuộc vùng I, II, III, IV xem tại: https://tntalent.vn/sites/tntalent/cam-nang/danh-cho-nha-tuyen-dung/luong-toi-thieu---vung-chi-tiet-cac-don-vi-hanh-chinh-theo-khu-vuc-179.html

Tác động điều chỉnh lương tối thiểu vùng với người lao động

1.    Tăng mức đóng BHXH, gia tăng quyền lợi của NLĐ

Nhờ việc tăng mức đóng BHXH mà mức hưởng các chế độ BHXH (chế độ thai sản, nghỉ ốm, nghỉ việc riêng…) cũng sẽ tăng theo.

2.    Tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Khi lương tối thiểu vùng tăng, mức lương tháng đóng BHXH tối thiểu sẽ tăng. Kéo theo đó là mức đóng bảo hiểm thất hiểm thất nghiệp tối thiểu cũng tăng.

3.    Tăng tiền lương tối thiểu khi điều chuyển công việc

Khi lương tối thiểu vùng tăng, tiền lương tối thiểu trả cho người lao động khi thay đổi công việc cũng phải điều chỉnh tăng thêm.

4.    Tăng tiền lương ngừng việc không do lỗi của người lao động

Nếu phải ngừng việc do lỗi của người lao động khác hoặc vì sự cố điện, nước, do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm… thì người lao động sẽ được trả lương trong thời gian ngừng việc ít nhất bằng lương tối thiểu vùng.

Như vậy, khi lương tối thiểu vùng tăng, mức lương ngừng việc tối thiểu trả cho người lao động cũng tăng theo.

5.    Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa

Từ ngày 01/7/2022, khi lương tối thiểu vùng tăng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa của người lao động cũng được điều chỉnh tăng. Điều này sẽ góp phần làm cho mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sau này tăng theo, tối đa lên đến 23,4 triệu đồng/tháng.

nguoi-lao-dong-2.jpg


TNG Holdings Vietnam điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo nghị định 38

Ngay thời điểm có thông tin về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, TNG Holdings Vietnam đã nhanh chóng thực hiện công tác rà soát lương, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Theo đó, Tập đoàn đã rà soát lương của hơn 2,000 CBNV và có sự điều chỉnh phù hợp chỉ trong hơn 1 tháng.​​

Các doanh nghiệp thường mong muốn điều chỉnh lương tối thiểu vùng vào 1/1 hàng năm vì đây là thời điểm làm kế hoạch, lên ngân sách hoạt động cho tổ chức. Mốc 1/7/2022 là thời điểm nhạy cảm, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng có ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách đã được phê duyệt từ đầu năm của các đơn vị. Tuy nhiên, TNG Holdings Vietnam đã thực hiện điều chỉnh lương tối thiếu vùng theo quy định của Nhà nước một cách nhanh chóng và triệt để, thể hiện sự quyết tâm, làm tăng niềm tin, tạo cơ hội cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp.